Phần lớn doanh nghiệp dệt may “kín” đơn hàng hết quý III, thậm chí quý IV nhưng lại đối diện nguy cơ “vỡ kế hoạch” vì làn sóng dịch lần thứ tư.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã có đơn hàng hết quý III và cả năm. Thực tế này trái ngược với một năm trước khi Covid-19 bắt đầu bùng phát, các doanh nghiệp dệt may chỉ có đơn hàng theo tuần.
Đơn hàng dệt may “đổ” về nhiều, theo giải thích của Bộ Công Thương, do nhu cầu mua sắm hàng hoá tiêu dùng (quần áo, giày dép…) của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU, Nhật Bản… tăng rõ rệt khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi và dần dỡ bỏ lệnh phong toả.
Chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 5 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng gần 10% so với cùng kỳ 2020; sản xuất trang phục lần lượt tăng 2,1% và 12,9%. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ; trang phục tăng 9.1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%…
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt trên 12 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng hơn 60%, vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%.
Đơn hàng dồi dào, nhưng nguy cơ với doanh nghiệp sản xuất như dệt may trong làn sóng dịch thứ 4 lần này, theo Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) là vô cùng lớn.
Ông cho biết, tới giờ đã có ít nhất 45 doanh nghiệp dệt may phải tạm dừng sản xuất từ hơn 2 tuần nay. Các ông chủ dệt may có nhà máy dừng hoạt động đứng trước áp lực vừa “đội” chi phí sản xuất, vừa phải xoay tiền trả lương cho công nhân để giữ chân họ, rồi nơm nớp đền bù khách hàng hoặc phải đổi phương thức vận chuyển đắt hơn bằng được hàng không để kịp thời gian giao hàng đối tác.
“Một doanh nghiệp chỉ cần bị dãn cách, cách ly không làm việc từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ”, ông Vũ Đức Giang nói.
Nỗi lo lớn nhất với doanh nghiệp ngành may lúc này, theo ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là bị cách ly, giãn cách kể cả ở khu không có doanh nghiệp trú đóng nhưng có người lao động ở, khiến công nhân không thể tới nhà máy làm việc. Nếu không đảm bảo nhân công phục vụ sản xuất, giao hàng đúng hạn doanh nghiệp sẽ bị phạt, hủy đơn hàng. Thiệt hại với ngành dệt may khi đó lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, các đơn hàng hầu hết thanh toán chậm 60 ngày nên nếu không giao được hàng đúng theo hợp đồng đã ký thì tiền gia công không thể thanh toán được. Dòng tiền của doanh nghiệp sẽ bị “tắc” ngay lập tức. Vì thế, điều khiến ông lo lắng nhất lúc này là làm sao kịp tiến độ giao hàng cho đối tác.
“Chúng tôi kích hoạt phương án phòng dịch ở mức cao nhất, không lơ là chủ quan để vừa sản xuất an toàn, vừa phòng dịch chắc chắn, ngăn Covid-19 tràn vào nhà máy”, vị này chia sẻ.
Vì thế, ngoài xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh với tâm thế “không lơ là chủ quan”, ông Lê Tiến Trường cho rằng, lúc này đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho công nhân tại các khu công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tại một số địa phương đang là “vùng dịch” như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP HCM, Hà Nội là giải pháp hữu hiệu nhất.
Các doanh nghiệp của Vinatex sẵn sàng chi trả tất cả chi phí để tiêm vaccine cho người lao động. Theo tính toán, các doanh nghiệp thuộc Vinatex sẽ dành 100-200 tỷ đồng cho chi phí tự tiêm vaccine.
“Chúng tôi hiểu, lượng vaccine hiện nay còn hạn chế về số lượng và cần có sự sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên lao động ngành dệt may rất mong muốn được ưu tiên sớm trong đợt tiêm phòng dịch lần này để đảm bảo ổn định sản xuất trong thời gian tới”, ông nhấn mạnh.